BÍ QUYẾT CHI TIÊU HIỆU QUẢ

Chúng ta nên lựa chọn tiết kiệm hay chi tiêu hay thậm chí là lựa chọn cả hai. Tôi chắc rằng đó là câu hỏi và suy nghĩ của nhiều người. Bởi vì chúng ta ai cũng muốn tiết kiệm cho tương lai bên cạnh đó cũng muốn thỏa mãn cuộc sống hiện tại.

Vậy nếu bạn muốn tiết kiệm cho tương lai nhưng vẫn có thể tận hưởng cuộc sống hiện tại thì hãy tham khảo bí quyết chi tiêu dưới đây.

1.Lập ngân sách chi tiêu rõ ràng

Dù thu nhập cao hay thấp, nếu muốn quản lý chi tiêu hiệu quả, nhất định phải lập ngân sách chi tiêu. Lập ngân sách cho phép bạn chi tiêu có kế hoạch, theo mục tiêu đã đặt ra. Tránh xảy ra tình trạng bội chi, phải vay mượn tiền để giải quyết nhu cầu tiêu dùng. Đặc biệt là với những gia đình có thu nhập trung bình và thấp.

Khi lập ngân sách chi tiêu, toàn bộ thu nhập sẽ được chia thành từng khoản như chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư,... Việc này sẽ tạo cho bạn thói quen chi tiêu khoa học, đảm bảo tình hình tài chính luôn ổn định.

2.Quan sát và quản lý các khoản thu chi

Sau khi lập ngân sách, hãy cố gắng chi tiêu theo đúng mục tiêu đã đặt ra. Để quản lý tiền bạc tốt hơn, cần quan sát và quản lý các khoản thu chi hàng tháng. Bạn sẽ biết được tiền của mình đang được sử dụng như thế nào. Có hợp lý hay chưa. Từ đó sẽ biết cách điều chỉnh phù hợp.

Hằng ngày, hãy liệt kê toàn bộ các khoản chi tiêu của mình vào một cuốn sổ hoặc sử dụng các app thu chi có trên điện thoại. Đừng bỏ qua bất kỳ khoản nào dù là nhỏ nhất. Sau mỗi tháng, bạn sẽ có cái nhìn cụ thể về thói quen chi tiêu hiện tại của bản thân.

3.Mua sắm hợp lý

Hãy tính toán kỹ những khoản chi bắt buộc như tiền điện, tiền nước, tiền nhà,... Trước khi mua bất cứ thứ gì, chúng ta cũng nên cân nhắc thật kỹ vì nếu không thì sẽ rất khó để tiết kiệm. Ví dụ, nếu quyết định mua một chiếc xe hơi trả góp thì mỗi tháng bạn phải trả thêm một khoản tiền nữa, điều này sẽ làm giới hạn chi tiêu hàng ngày của gia đình và còn dẫn đến nhiều bất cập khác.

Trước khi đi chợ hay mua sắm, hãy lên danh sách tất cả các sản phẩm mà bạn cần. Việc này không chỉ giúp bạn tiết kiệm được thời gian mua sắm, mà còn hạn chế tình trạng mua quá nhiều thứ không thật sự cần thiết.

Từ danh sách những sản phẩm bạn đã liệt kê, bạn có thể dự tính được số tiền cần mang theo để mua sắm. Tránh việc đem quá nhiều tiền, dễ sa đà vào những món đồ không cần thiết, lãng phí tiền bạc.

4.Mạnh dạn nói “không” với những khoản chi tiêu không hợp lý

Xác định rõ mục tiêu ngắn hạn và dài hạn để dễ phân bổ những khoản chi tiêu sao cho hợp lý. Ví dụ, nếu dự định mua một căn nhà thì ngay bây giờ, bạn phải giảm những hoạt động vui chơi xa xỉ của mình như thường xuyên ăn nhà hàng, mua đồ hiệu,.... Thay vào đó là những hoạt động nhẹ nhàng với chi phí hợp lý hơn như: đi công viên, tham quan sở thú... Một khi mong muốn trở nên lớn dần, bạn sẽ chống lại được những thôi thúc tiêu tiền để thực hiện dự định của mình.

5.Tránh tình trạng vay mượn tiền

Những khoản nợ không chỉ khiến bạn cảm thấy áp lực về tiền bạc, mà còn ảnh hưởng đến quá trình thực hiện các mục tiêu tài chính. Do đó, nên hạn chế tối đa việc vay mượn tiền để chi tiêu.

Nếu có một khoản nợ, cần lên kế hoạch trả nợ với thời gian và con số cụ thể. Nên thanh toán các khoản nợ có lãi suất cao trước để giảm bớt tiền lãi hàng tháng.

6.Lập kế hoạch dự trù chi phí phát sinh

Để quản lý tài chính hiệu quả, bạn dành một khoản cho các chi phí phát sinh trong tháng. Nếu đã có sẵn một số tiền để chi tiêu, bạn sẽ không đụng đến số tiền tiết kiệm trong tài khoản.